BÀI TUYÊN TRUYỀN Hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” năm 2024
Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên
của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước
ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến
pháp năm 2013, những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con
người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do
nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ
đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước
ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến
pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm
2012. Điều 8 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày
9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày
Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức
thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm
nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật
trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người
trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm
hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó
lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.
Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao
giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ
luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý
thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống
văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp
thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình
thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình,
về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững
của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.
Văn hóa pháp luật được thể hiện hàng
ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội
dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên
quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền
văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống
theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập
từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần
chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen.
Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo
dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền,
hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự
pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân
công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Thông qua Ngày pháp luật để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân
chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt
để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với tinh thần đó, tập thể CBGVNV và
học sinh trường Tiểu học Tân Phú B tích cực hưởng ứng bằng các việc
làm thiết thực như:
- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sống và làm việc theo pháp luật là
việc làm thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo
vệ pháp luật.
- Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp
phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi pháp
luật.
- Chủ động tìm hiểu, gương mẫu tuân theo
Hiến pháp và pháp luật.
- Hiểu biết và chấp hành pháp
luật để bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công
bằng, văn minh.
- Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công
cộng.
CBGVNV và học sinh trường Tiểu
học Tân Phú B hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” năm
2024, góp phần xây dựng nhà trường “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng
tạo, phát triển”.